Tìm hiểu làng gốm Bát Tràng Hà Nội

Làng quê Việt Nam còn lưu lại nhiều làng nghề đặc sắc, góp phần điểm tô cho sự phong phú, đa dạng của nền văn hóa nước ta. Một trong những làng nghề được lưu danh đó là Làng gốm Bát Tràng - làng nghề thủ công sôi động bậc nhất của đất Thăng Long xưa và nay - đã cho ra đời nhiều sản phẩm tinh tế, sống động, ắp đầy màu sắc quê hương.


Gốm Bát Tràng là tên gọi chung cho các loại đồ gốm được sản xuất tại làng gốm Bát Tràng thuộc xã Bát Tràng (gồm hai thôn Bát Tràng và Giang Cao thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội). Theo nghĩa Hán Việt, chữ Bát nghĩa là chén bát, đồ gốm và chữ Tràng (hay Trường) là chỗ đất dành riêng cho chuyên môn. Đầu tiên, làng có tên Bạch Thổ Phường, rồi đổi tên là Bát Tràng Phường, mãi về sau này mới gọi là Bát Tràng.

Tương truyền, gần 6 thế kỷ trước, có một nghệ nhân cao tuổi, râu tóc bạc trắng, từ làng Bồ Bát trong Thanh Hóa đến Bát Tràng hành nghề, dựng nghiệp, rồi truyền lại nghề gốm bàn xoay cho dân làng. Còn theo những gì được ghi lại trong sử sách thì làng nghề Bát Tràng cũng đã có đến 500 năm tuổi. Một số thư tịch cổ có ghi việc thời Lê sơ, thế kỷ 15, các cống phẩm triều đình cống nạp cho nhà Minh bên Trung Quốc gồm các sản vật quý như gấm vóc, lụa là, châu ngọc, và có cả đồ gốm Bát Tràng. Nhưng có thể nói, nghề gốm ở Bát Tràng cực thịnh là vào thế kỷ 16, 17. Nhiều đồ thờ quý giá ở những đình, đền, chùa, miếu còn đến nay, thấy có ghi tên tuổi những người cúng tiến và thời gian chế tác, thì biết những đồ gốm Bát Tràng cực kỳ đẹp cả cốt, dáng, nét và men đã ra đời vào thời Mạc Mậu Hợp và thời Lê Trung Hưng.

Để làm ra những sản phẩm gốm, người thợ phải trải qua rất nhiều công đoạn: chọn đất, xử lý và pha chế đất, tạo dáng, tạo hoa văn, phủ men và cuối cùng là nung sản phẩm. Những người dân làng nghề Bát Tràng vẫn truyền tụng cho nhau kinh nghiệm làm gốm từ ngàn đời "Nhất xương, nhì da, thứ ba dạc lò". Câu nói này có nghĩa là đất làm gốm phải được nén chặt để đảm bảo độ rắn chắc cho sản phẩm; tiếp đó là kỹ thuật tạo lớp men phủ (men trắng, men lam, men nâu, men xanh rêu, men rạn); cuối cùng là kỹ thuật nung lò để có được sản phẩm hoàn chỉnh.

 Đất để làm gốm phải là đất sét. Để có đất sét, người Bát Tràng phải mua từ làng Cổ Điển (Vĩnh Phúc) hoặc mua từ làng Dâu (Bắc Ninh). Hàng gốm Bát Tràng thời kỳ đầu là đồ gốm trắng, mãi về sau mới chuyển sang làm đồ đàn. Gốm đàn là loại gốm "xương" đỏ, miệng loe, mỏng và thấp. Nghĩa là người thợ làm "xương" gốm bằng đất đỏ, rồi mới lót một lượt đất trắng mỏng ra ngoài. Quy trình gia công này có công đoạn phải đàn cho "xương" và "da" gốm mỏng ra, do vậy mới gọi là đồ đàn. Đất đỏ làm đồ đàn phải mua từ Hồ Lao, Hồ Lễ (Hải Dương) hoặc mua của Thổ Hà (Bắc Giang).
 

Đất sét sau khi mang về được đổ vào hệ thống chứa bể lọc và ngâm trong nước một vài tháng đến khi phân rã, tới độ chín, đánh tơi, nhuyễn trong bể chứa, đoạn tháo xuống bể lọc cho lắng, lọc tạp chất hữu cơ nổi trên hớt bỏ. Phần đất sét nhuyễn, sạch lắng dưới được chuyển sang bể phơi, bể ủ. Tới đây, đất sét trắng, mịn, sánh như bột gạo, những người thợ mới đem lên để sản xuất gốm sứ.

Dụng cụ sản xuất chính của lò gốm cổ là cái bàn xoay. Bàn xoay được chôn xuống đất, người thợ ngồi, chân đạp bàn xoay, tay buông bắt từng thỏi đất, chuốt lên thành các sản phẩm tinh xảo. Mặc dù làm thủ công nhưng các sản phẩm có độ giống nhau khá cao như được đúc trong cùng một khuôn. Sau này, nhờ tiến bộ khoa học kĩ thuật, các nghệ nhân đã dùng khuôn thạch cao để tạo nên các sản phẩm gốm mộc. Hiện tại, số hàng gốm chuốt tay ở Bát Tràng còn duy trì song rất ít.

Khi gốm mộc được phơi khô, chuyển qua công đoạn vẽ và tráng men. Người thợ gốm Bát Tràng bằng sự tài hoa, khéo léo đã trang trí lên các sản phẩm gốm những hình hài, hoa lá, chim muông rất sống động. Gốm Bát Tràng từ xa xưa đã nổi tiếng về chất men phủ, phổ biến là men màu búp dong, loại men này sắc độ trắng hơi ngả xanh hoặc xám, trong và sâu. Đặc biệt là Bát Tràng đã có men lý, men nho, men này màu gần như màu ngọc thạch, nên được gọi là men ngọc. Riêng hai loại men rạn là rạn xương đất đen và rạn xương đất trắng có giá trị từ xưa, ngày nay đã được các nghệ nhân chế tác rất thành công. Bí quyết pha men ở đây không dễ gì thợ gốm nơi khác bắt chước được.
 

Cuối cùng là khâu nung lò để cho ra sản phẩm gốm hoàn chỉnh. Kỹ thuật đốt lò ảnh hưởng quyết định đến chất lượng sản phẩm gốm sứ. Người thợ gốm rất chú trọng đến ngày giờ đốt lò, ra lò. Điều này có ý nghĩa thiêng liêng như một tín ngưỡng. Có nhiều kiểu lò nung khác nhau phù hợp với từng loại sản phẩm: từ kiểu lò cổ truyền là lò ếch, tới lò dàn, lò bầu, lò hộp... Nguyên liệu để nung lò cũng được thay đổi theo từng giai đoạn: từ việc đốt lò bằng cỏ khô, rồi tiến tới củi, than đá, nay có lò thí nghiệm đốt bằng điện, bằng ga, đã dần nâng cao chất lượng sản phẩm gốm.

Các sản phẩm làm từ gốm Bát Tràng rất phong phú. Ngoài bát đĩa, ấm chén thông dụng, Bát Tràng còn làm nhiều mặt hàng khác như các đồ thờ tự và các đồ cho trang trí nội, ngoại thất : lộc bình, lư, đỉnh, đèn thờ, các bộ tượng tam đa, tam thánh, chậu hoa, con giống, gạch trang trí cao cấp...

Để làm nên những tác phẩm nghệ thuật từ gốm Bát Tràng không thể không nói đến vai trò đặc biệt quan trọng của các nghệ nhân làm gốm. Các nghệ nhân, có người tinh tế về men, có người chuyên sâu về tạo dáng, có người lại tài về vẽ... Những thành quả lao động sáng tạo của lớp nghệ nhân già cùng sức trẻ của Bát Tràng đã làm nên một thế giới đa dạng, lấp lánh sắc màu từ nắm đất quê hương. Ngày nay, gốm sứ Bát Tràng vẫn có sự hấp dẫn đặc biệt không chỉ với khách Hà thành mà còn mở rộng khắp trong nước và có một lượng không nhỏ được bán đi các nước Nhật, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan... Gốm Bát Tràng đã mang tinh hoa hồn Việt đến khắp vùng miền đất nước và vươn ra tầm thế giới.

 

Thư viện ảnh (Xem bản lớn hơn)

related destinations

Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam là một trong sáu bảo tàng...
Múa rối nước là môn nghệ thuật đặc sắc ra đời từ nền văn hóa...
Hơn bất kỳ nơi đâu, người Hà Nội rất mê bia, cũng dành một cảm...
Call to book
(+84) 3 87 86 68 52
Test thông tin mở rộng.

Nói về chúng tôi